Phân tích kỹ thuật là một trong 2 trường phái giao dịch hàng đầu hiện nay (cùng với phân tích cơ bản). Tiếp cận và học hỏi các trường phái phân tích kỹ thuật sẽ giúp trader ngày càng hoàn thiện kỹ năng phân tích thị trường tài chính. Dưới đây là những trường phát được nhiều trader áp dụng và phổ biến nhất trên thị trường.
Phân tích kỹ thuật là gì?
Phân tích kỹ thuật là trường phái đầu tư tài chính tập trung vào các phương pháp nghiên cứu thị trường thông qua biến động giá và khối lượng giao dịch. Từ đó sẽ đánh giá được tình hình hoạt động của các sản phẩm tài chính, dự đoán hướng đi của giá trong tương lai và đưa ra quyết định giao dịch phù hợp.
Trong các trường phái phân tích kỹ thuật, những công cụ sau sẽ được sử dụng:
- Chỉ Số
- Biểu đồ
- Mô hình giá
Nó hoàn toàn khác với trường phái phân tích cơ bản, dùng tin tức thị trường để đưa ra dự đoán xu hướng giá và đầu tư.
Phân tích kỹ thuật đã có từ những năm 1800, khởi đầu với Lý thuyết Dow vô cùng nổi tiếng. Về sau, trường phái này ngày càng phát triển và trở thành một trong những hướng phân tích thị trường chính yếu như hiện nay.
Ưu điểm:
- Cho kết quả phân tích nhanh chóng.
- Hỗ trợ trader tìm được điểm mua/ điểm bán phù hợp ngay trên biểu đồ
- Đa dạng lựa chọn với rất nhiều trường phái phân tích kỹ thuật. Mỗi nhà đầu tư sẽ có các lựa chọn trường phái phù hợp với phong cách giao dịch của bản thân.
Nhược điểm:
- Hiệu quả của phân tích kỹ thuật chỉ mang tính tương đối và không phải lúc nào các chỉ số đều là tín hiệu chính xác.
- Sử dụng quá nhiều chỉ báo sẽ khiến trader dễ mất phương hướng, từ đó rối loạn và không biết nên tin vào tín hiệu nào tốt hơn.
Các trường phái phân tích kỹ thuật được sử dụng phổ biến nhất
Price Action – Hành động giá
Đây được xem là trường phái phân tích kỹ thuật cơ bản nhất. Hành động giá có nghĩa là quan sát quá trình thị trường biến động giá cả như thế nào để dự đoán xu hướng trong tương lai. Với việc sử dụng các cây nến trên biểu đồ, trader sẽ tiến hành phân tích xu hướng thị trường cũng như tìm kiếm các điểm vào lệnh như mong muốn.
Công cụ chính để phân tích chính là các mô hình nến Nhật như Doji, Pin Bar, Inside Bar. Ngoài ra, cũng có thể kết hợp thêm các đường hỗ trợ/kháng cự, các mô hình giá, đường xu hướng để mang lại những tín hiệu vào lệnh mạnh hơn.
Heiken Ashi – Nến trung bình
Đây là trường phái sử dụng thanh nến ở giữa (còn gọi là nến trung bình) để lọc các tín hiệu nhiễu trên thị trường và đưa ra tín hiệu chính xác nhất.
Phương pháp này được xem là nâng tầm cho cách phân tích thị trường với nến Nhật. Vì nến Nhật chỉ đơn thuần mô phỏng giá mở cửa, giá đóng cửa, giá ở đỉnh và giá ở đáy trong một thời gian nhất định.
Cách hình thành nến trung bình sẽ không giống với nến Nhật. Nó được tính từ giá trung bình của thân cây nến trước và lấy giá đó làm mốc để hình thành các cây nến ngay sau đó. Vì vậy trong biểu đồ nến trung bình sẽ không có GAP (khoảng trống giá) như mô hình nến Nhật cổ điển. Và vì vậy, nó được trader áp dụng để lọc độ nhiễu, đưa ra dự báo chính xác hơn về xu hướng giá trong tương lai.
Supply Demand – Cung cầu – Một trong các trường phái phân tích kỹ thuật phổ biến
Lý thuyết cung cầu vô cùng phổ biến trên thị trường tài chính và nếu là một trader thì chắc chắn bạn không hề xa lạ với khái niệm này. Cung cầu chính là động lực khiến giá một tài sản nào đó tăng hoặc giảm. Trong cách phân tích cung cầu, sẽ có 3 kịch bản thị trường:
- Cầu vượt quá cung thì thị trường ở xu hướng tăng, xu hướng mua sẽ tăng mạnh
- Cung vượt quá cầu thì thị trường ở xu hướng giảm, giá của tài sản giảm và lượng mua cũng ít đi.
- Cung cầu cân bằng thì thị trường đi ngang, cả bên mua bán giằng co và đều đang trong trạng thái hài lòng, chờ đợi biến động mới.
Giao dịch theo trường phái cung cầu sẽ hướng đến việc tìm điểm giao dịch trên thị trường nơi mà giá đã có động thái tăng hoặc giảm mạnh. Khi đó, trader sẽ đánh giá chúng thuộc về cung (supply) hay cầu (demand). Khi thị trường ở trạng thái cung hoặc cầu, các tổ chức và ngân hàng sẽ có xu hướng đưa giao dịch lớn vào thị trường. Và lúc này, trader sẽ tiến hành đặt lệnh chờ mua ở vùng giá cung hoặc đặt lệnh chờ bán ở vùng giá cầu.
Wyckoff
Đây có thể được xem là một trong những trường phái phân tích kỹ thuật hiệu quả nhất hiện nay. Nó đã được sử dụng hơn 100 năm qua và cho thấy tính khả thi của mình. Phương pháp này sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể về quy luật thị trường trong từng giai đoạn. Nó được thiết kế bởi Richard Wyckoff (1873 – 1934) và dựa trên những quy luật – nguyên tắc sau:
- 3 quy luật của Wyckoff
- Chu kỳ giá Wyckoff
- Sơ đồ Wyckoff
- Composite man
- 5 bước để tiếp cận thị trường
Các nguyên tắc – kỹ thuật này tập trung vào việc tìm kiếm những dấu hiệu xác nhận giá thông qua việc đọc biểu đồ và dải băng giá. Nó rất phức tạp và hầu như chỉ được sử dụng bởi những trader chuyên nghiệp.
SMS – Smart Money Concept
SMS có thể được hiểu như là một lý thuyết giao dịch. Trong đó, có đầy đủ những mô tả về sự vận hành của thị trường ngoại hối. Giao dịch theo trường phái SMS tức là trader sẽ nắm bắt những vùng giá có sự tham gia của Smart money – dòng tiền thông minh. Tức là vùng giá nào có sự tham gia của các “cá mập”. Sau đó sẽ phân tích hành động của họ và từ đó đưa ra được chiến lược riêng cho mình.
Chiến lược này có lợi nhuận lớn nhưng rủi ro cũng thuộc hàng cao nhất. Vì vậy nếu bạn có khẩu vị rủi ro cao thì có thể tìm hiểu và thử sức với nó.
Ichimoku
Trường phái phân tích kỹ thuật Ichimoku vô cùng nổi tiếng và được rất nhiều trader chuyên nghiệp trên thế giới sử dụng. Nói chính xác hơn, đây là hệ thống Ichimoku Kinko Hyo. Hệ thống này được tạo thành với 5 đường Line, tạo nên một bức tranh tổng thể và toàn diện nhất về thị trường:
- Đường đảo chiều Tenkan Sen
- Đường tiêu chuẩn Kijun Sen
- Đường giá chậm Chikou Span
- Đường nhanh A Senkou Span A
- Đường nhanh B Senkou Span B
Hệ thống 5 thành phần này sẽ giúp nhà đầu tư biết được những gì ẩn sau biểu đồ giá. Nếu muốn thành công, bắt buộc phải sử dụng đủ 5 thành phần. Hệ thống này ngày càng được cải tiến và các trader cũng có những cách tùy chỉnh thông số để phù hợp với hệ thống giao dịch của cá nhân mình.
Sóng Elliott
Nếu bạn là một nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật, chắc chắn bạn đã từng nghe đến khái niệm sóng Elliott. Theo lý thuyết sóng này, những mô hình giá lặp lại sẽ được gọi là sóng. Mỗi con sóng lớn có thể được chia làm nhiều con sóng nhỏ. Có tổng 21 kiểu mô hình sóng điều chỉnh và chúng sẽ mang ý nghĩa khác nhau:
- Thị trường có xu hướng sẽ đi theo mô hình sóng 5-3
- 5 sóng đầu tiên sẽ gọi là sóng đẩy, 1 trong 3 sóng trong 5 sóng này sẽ có hiện tượng mở rộng và thường là sóng số 3
- 3 sóng tiếp theo gọi là sóng điều chính.
Nếu mới tiếp xúc, bạn sẽ thấy việc đếm sóng Elliott khá phức tạp. Tuy nhiên chỉ cần thuộc các quy tắc của nó thì sẽ thấy đây là trường phái kỹ thuật vô cùng đơn giản và dễ áp dụng. Thậm chí, nhiều chuyên gia đều cho rằng Elliott là nguồn gốc của mọi phương pháp phân tích kỹ thuật và thị trường thực sự chuyển động theo những con sóng mà lý thuyết này đã phân tích.
Fibonacci
Fibonacci là dãy số tỉ lệ vàng. Dãy số Fibonacci được phát hiện bởi nhà toán học tài năng Fibonacci. Dãy số được bắt đầu với 0 và 1. Sau đó, số liền sau sẽ bằng tổng của 2 số liền trước và diễn biến cho đến vô hạn.
Dãy số được lặp lại và tạo nên điều kỳ diệu khi chúng ta chia các con số trong dãy và sẽ được một số tỷ lệ là 1,618. Đây là con số tỷ lệ vàng. Ngoài ra còn nhiều tỷ lệ khác và trader chỉ cần biết được các mức Fibonacci hồi lại sẽ là những vùng hỗ trợ và kháng cự, còn Fibonacci mở rộng chính là các mức chốt lời tiềm năng.
Trendline – Đường xu hướng
Công cụ đường xu hướng đã trở thành một trong những cách phân tích kỹ thuật đơn giản nhưng siêu hiệu quả. Nó được đánh giá là cốt lõi để nhận diện xu hướng thị trường. Thông qua vẽ trendline, trader sẽ xác định được xu hướng tiếp diễn, xu hướng đi ngang hay xu hướng đảo chiều. Từ đó sẽ thuận tiện hơn trong việc đưa ra quyết định đầu tư.
Indicators – chỉ báo
Chỉ báo là một trong các trường phái phân tích kỹ thuật được sử dụng nhiều nhất. Các chỉ báo kỹ thuật được sử dụng thường là:
- Chỉ báo về động lượng: RSI, MACD, CCI, ATR…
- Chỉ báo về khối lượng: MFI, Volume, …
- Chỉ báo về xu hướng: Đường MA, Ichimoku, …
Nắm được các ý nghĩa về động lượng, khối lượng hay xu hướng, trader sẽ có được vùng giá tiềm năng để vào lệnh, từ đó thiết lập được các lệnh mua bán hợp lý nhất.
Học các trường phái phân tích kỹ thuật như thế nào?
Nếu là người mới bước chân vào thị trường tài chính, bạn không nên ôm đồm quá nhiều trường phái. Bắt đầu với trường phái số 1 và tịnh tiến dần đến những trường phái khác sau khi bạn đã thành thạo công cụ phân tích kỹ thuật đầu tiên.
Phân tích kỹ thuật được xem là chiến lược quan trọng dành cho các nhà đầu tư ngắn hạn. Mỗi nhà đầu tư có thể kết hợp nhiều phương pháp để đưa ra tín hiệu xác thực nhất. Tuy nhiên, thời gian đầu chắc chắn bạn sẽ mắc nhiều sai lầm. Trải qua quá trình giao dịch thực chiến mới có thể đúc rút được kinh nghiệm, chọn lọc trường phái phù hợp với phong cách giao dịch của bản thân.
Kết luận
Trong giao dịch CFD hay bất cứ sản phẩm tài chính nào, sử dụng các trường phái phân tích kỹ thuật cũng là điều nên làm. Các công cụ kỹ thuật có độ nhạy bén cao, tín hiệu thường đi trước so với phân tích cơ bản. Chúc các bạn thành công!