Chiến lược giao dịch Range Trading là phương thức giao dịch dựa trên xu hướng giá trở cân bằng sau một khoảng thời gian cụ thể hoặc trở lại mức trung bình được nhiều Trader sử dụng hiện nay.
Chiến lược giao dịch này hẳn là không còn xa lạ mấy với những nhà đầu tư vào các dạng thị trường thương mại nói chung.
Dựa trên mối quan hệ của giá hiện tại và giá trung bình, các Trader có thể thực hiện giao dịch liên quan đến mua bán, trao đổi tiền tệ, cổ phiếu hay sản phẩm, các tài sản khác.
Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ đề cập đến một số thông tin liên quan đến chiến lược giao dịch này để mọi người cùng tham khảo.
Khái niệm Range Trading
Trước khi tìm hiểu về chiến lược Range Trading, chúng tôi sẽ giải nghĩa khái niệm Range Trading. Cụm Range Trading được hiểu là vùng giao dịch, phạm vi giao dịch hay còn được biết đến với tên gọi là “vùng giằng co”.
Vùng giằng co này sẽ xuất hiện khi giá chứng khoán đang thực hiện giao dịch ở khoảng giữa hai mức giá thấp và giá cao nhất định trong một khoảng thời gian xác định.
Trong đó, phía trên của vùng giao dịch là khu vực kháng cự còn phía dưới là khu vực hỗ trợ của giá.
Chiến lược giao dịch Range Trading là gì?
Trong quá trình giao dịch, nếu giá vượt ra khỏi ngưỡng Range Trading theo chiều hướng bất kỳ, xuống hoặc lên thì có nghĩa là thị trường đang diễn tiến một động lực giá (tích cực hay tiêu cực thì còn tùy thuộc vào thị trường). Lúc này sẽ có 2 trường hợp xảy ra như sau:
- Tín hiệu Breakout: tức là khi giá vượt ra khỏi Range Trading theo chiều hướng đi lên;
- Tín hiệu Breakdown: tức là khi giá vượt ra khỏi Range Trading theo chiều hướng đi xuống;
Cả 2 loại tín hiệu này đều được đánh giá là đáng tin cậy, nếu như đi kèm với một khối lượng lớn giao dịch thì tương ứng với sự đồng thuận giữa các nhà đầu tư đối với người giao dịch.
Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư sẽ quan sát thời gian tồn tại của Range Trading trước khi quyết định thực hiện giao dịch.
Thông thường thị trường sẽ có chiều hướng đi ngang – tức là không diễn ra nhiều biến động sau khi đã có một xu hướng (giai đoạn biến động giá lên hoặc xuống) mạnh mẽ.
Ngoài ra, một số Day Trader còn tận dụng nửa giờ đồng hồ đầu tiên với Range Trading nhằm tham khảo tư liệu cho hoạt động giao dịch của ngày hôm đó.
Các dạng phạm vi Range Trading và cách giao dịch trong từng vùng
Phạm vi hình chữ nhật
Đây là một phạm vi khá phổ biến và thường bắt gặp ở mọi khung thời gian. Giá sẽ di chuyển ngang giữa ngưỡng kháng cự trên và ngưỡng hỗ trợ dưới; có xu hướng gần như nằm ngang ở phạm vi Range Trading hình chữ nhật.
Người giao dịch có thể dễ dàng nắm bắt được phạm vi hình chữ nhật bằng các chỉ báo hoặc biểu đồ trực quan. Nó thường được xác định bởi các yếu tố như:
- Hình thành giữa các vùng kháng cự – hỗ trợ;
- Các đường trung bình động phẳng;
- Các đỉnh và đáy nằm trên một vùng giá nằm ngang;
- Các chỉ báo thường phân kỳ với giá tại điểm cực trị, có thể là đáy hoặc đỉnh của phạm vi;
- Các tín hiệu có xu hướng đảo chiều thường xuất hiện (mô hình 2 đỉnh, 2 đáy, Doji,…)
Chiến lược giao dịch Range Trading với phạm vi giá hình chữ nhật: tương đối đơn giản vì Trader chỉ cân nhắc việc mua vào và bán ra tại các điểm cực trị hoặc đợi các tín hiệu đảo chiều chuẩn bị xuất hiện quanh điểm cực trị. Điểm Stop Loss có thể đặt theo ATR hoặc một số cố định tùy theo mức độ biến động giá trong ngày.
Phạm vi theo kênh chéo
Kênh giá chéo được hiểu là các phạm vi hình thành dọc theo các đường chéo. Với loại phạm vi này, giá có thể tăng hoặc giảm trong kênh xu hướng với độ rộng khác nhau.
Các kênh có thể tồn tại trong thời gian khá lâu, đôi khi đến hàng năm và nó đại diện cho một xu hướng nào đó. Vì vậy, các nhà đầu tư có thể thực hiện chiến lược giao dịch Range Trading với phạm vi kênh chéo theo xu hướng hoặc cân nhắc lựa chọn chiến thuật phá vỡ.
Cụ thể, trader có thể mua vào – bán ra tại điểm cực trị của kênh giá như một chiến lược lướt sóng đơn giản, ưu tiên theo xu hướng kênh giá.
Chẳng hạn như khi kênh giá có chiều hướng dốc lên, nên mua vào một khối lượng lớn ở đáy kênh, bán ra khối lượng ít hơn ở đỉnh và ngược lại.
Còn đối với phương thức giao dịch phá vỡ, Trader sẽ đợi thời điểm giá đóng cửa phía dưới kênh dốc lên hoặc phía trên kênh dốc xuống để thực hiện giao dịch.
Trong trường hợp này, nhà đầu tư có thể giao dịch ngay lập tức hoặc chờ đến khi giá vượt ngưỡng đáy – đỉnh gần nhất hoặc pullback về các cạnh của kênh giá mới tiến hành giao dịch.
Phạm vi tiếp diễn xu hướng
Phạm vi tiếp diễn là mô hình biểu đồ thường xuất hiện trong một xu hướng và bao gồm cờ, cờ đuôi nheo, nêm, tam giác.
Loại phạm vi này thường được hiểu là một cách đánh dấu sự thay đổi, điều chỉnh trong xu hướng chính, có thể là tín hiệu giảm hoặc tăng. Đặc điểm để người giao dịch có thể nhận dạng phạm vi tiếp diễn xu hướng chính là giá bó trong phạm vi hẹp.
Các Trader có thể gặp loại phạm vi này ở nhiều giai đoạn thời gian khác nhau. Họ sẽ có thể lựa chọn giao dịch theo phạm vi hoặc tiến hành giao dịch phá vỡ tùy thuộc vào từng thời điểm giao dịch.
Chiến lược giao dịch Range Trading với các vùng phạm vi tiếp diễn thường sẽ là mua vào – bán ra tại điểm cực trị của phạm vi hoặc thực hiện giao dịch theo chiến thuật phá vỡ mà chúng tôi đã đề cập ở trên.
Thực tế cho thấy vùng phạm vi tiếp diễn thường khá hẹp nên các giao dịch lướt sóng sẽ không mang đến lợi nhuận như mong muốn như giao dịch theo xu hướng.
Bên cạnh đó, mô hình này có thể tạo nên những sự tăng hoặc giảm mạnh khi xu hướng thịnh hành tiếp tục phát triển. Do vậy, cách thức giao dịch phá vỡ được coi là cách tiếp cận hợp lý hơn.
Phạm vi bất thường
Phạm vi giá bất thường thể hiện đúng bản chất tên gọi của chúng “bất thường”. Dù các nhà đầu tư sẽ gặp loại phạm vi này khá nhiều lần nhưng để giao dịch thành công với chúng thì lại là một vấn đề khác.
Đối với phạm vi giá bất thường, giá sẽ có chiều hướng chuyển động không rõ ràng và khiến người giao dịch khó xác định được đâu là thời điểm thích hợp để vào lệnh.
Nếu gặp phải trường hợp này, các Trader có kinh nghiệm sẽ không giao dịch quanh các điểm cực trị mà nên sử dụng chiến lược giao dịch Range Trading cùng công cụ Pivot Point (điểm xoay, điểm trục) – tức là giá trị trung bình của các mức giá cao nhất, giá thấp nhất và giá đóng cửa của phiên giao dịch ngay trước đó để cân nhắc thực hiện giao dịch.
Trên đây là một số kiến thức liên quan đến chiến lược giao dịch Range Trading gồm khái niệm, các loại phạm vi và cách thức giao dịch với từng phạm vi.
Hy vọng với nguồn thông tin hữu ích này, các bạn Trader dù mới tập tành thực hiện giao dịch vẫn có thể hình dung được một số đặc điểm của “vùng giằng co” nêu trên.
Nếu mọi người cảm thấy bài viết có giá trị và hứng thú với chủ đề này thì đừng bỏ lỡ những cập nhật mới nhất tại chienluocfx.com nhé!